Theo một tuyên bố mới được đưa ra trong tuần vừa rồi, Honda Motor đã chính thức trở thành đối tác thứ 2 của Waymo, công ty con chuyên về xe tự lái mới được Google thành lập vào ngày 13/6 vừa qua. Thực tế, trong khi có tuổi đời mới chỉ tính bằng "tuần", Waymo đã có kinh nghiệm hàng năm trời nghiên cứu xe thông minh dưới vai trò là một dự án nhỏ trong bộ phận X Labs lừng danh của Google.
Đây sẽ là một trong những chiến trường quan trọng nhất của Google trong tương lai.
Khó vẹn cả đôi đường
Ngay từ đầu, Google đã nghiên cứu theo hướng hỗ trợ tất cả các mẫu mã xe khác nhau.
Nếu chỉ chọn ra một từ duy nhất để mô tả về một chiếc xe tự lái thì từ đó chắc chắn phải là “phức tạp”. Một chiếc xe tự lái tốt không chỉ là một chiếc xe tốt mà còn phải là một chiếc máy tính cực kỳ siêu việt - một thành tựu có thể nói là chưa hãng nào làm được. Kể cả kẻ đang đi đầu thị trường là Tesla cũng vậy: trong khi các công nghệ xe tự lái (và xe điện) của Tesla đã liên tục thu hút sự chú ý của người hâm mộ, trên khía cạnh là một chiếc xe hơi thuần túy thì Model S và Model X vẫn còn thiếu hút những chi tiết chỉ một nhà sản xuất xe hơi mới có thể làm tốt, từ tay nắm cửa, ghế da cho đến khay đặt cốc. Về phía các nhà sản xuất xe hơi truyền thống, mới chỉ có duy nhất Volvo là tạo ra được công nghệ tự lái thông minh ngang ngửa với Tesla.
Nói cách khác, không phải bất cứ ai cũng có thể hoàn thiện một sản phẩm trên cả hai khía cạnh phần cứng lẫn phần mềm.
Đây cũng chính là vấn đề đã từng xuất hiện trên thị trường smartphone (và trước đó là PC). Ngoại trừ Apple là tên tuổi đã vài lần cách mạng ngành công nghiệp hi-tech, tất cả các đối thủ mong muốn sở hữu cả hai khía cạnh phần cứng và phần mềm của smartphone đều đã thất bại thảm hại, bao gồm cả những tên tuổi đã từng đi đầu lĩnh vực PDA như HP/Palm, những gã khổng lồ thống trị như bộ đôi Microsoft/Nokia và cả ông vua smartphone một thời BlackBerry. Tương tự, thị trường PC của thập niên 80 vốn phân mảnh nặng nề theo kiểu “mỗi nhà sản xuất phần cứng một hệ điều hành” đã nhanh chóng nhường chỗ cho Windows vươn lên thống trị.
Được nhắc đến rất nhiều về các đột phá công nghệ nhưng Tesla lại bị chê bai vì chất lượng nội thất/hoàn thiện kém.
Vị thế thống trị của Android trên thị trường phần mềm và của Samsung trên thị trường phần cứng cho thấy một sự thật hết sức rõ ràng: mỗi tập đoàn lớn chỉ nên tập trung vào một khía cạnh duy nhất mà thôi. Google vốn là gã khổng lồ đã có hàng năm trời làm phần mềm (cụ thể hơn là dịch vụ ứng dụng), còn Samsung lại có bộ máy sản xuất bề thế bậc nhất thế giới. Chỉ có sự kết hợp như vậy mới có thể đánh bại bộ não thiên tài của Steve Jobs và lợi thế hàng năm trời dẫn đầu của Apple.
Ranh giới lớn hơn
Trên chiếc xe tự lái, sự phân biệt sẽ không hẳn là giữa phần cứng và phần mềm mà là giữa chiếc xe và hệ thống kết nối/lái thông minh, bởi một hệ thống lái tự động không chỉ đòi hỏi phần mềm mà còn đòi hỏi các bộ cảm biến được quy định rõ ràng. Đây chính là lý do Google phải thành lập hẳn một công ty con để theo đuổi lĩnh vực xe tự lái thay vì chỉ cung cấp giải pháp phần mềm như Android hoặc Android Auto.
Không có lý do gì để mang những chiếc xe như thế này ra cạnh tranh với Tesla.
Tuy vậy, ý nghĩa của việc phân hóa vai trò trên lĩnh vực xe tự lái chắc chắn vẫn sẽ mang lại những hiệu quả tương tự như Android và Windows. Lợi thế đầu tiên của hướng đi này là ở chỗ một nhà sản xuất xe hơi sẽ chỉ phải cạnh tranh với Volvo, Tesla thay vì phải cạnh tranh với Volvo, Tesla và Google. Nếu chỉ tính riêng trên khía cạnh một chiếc xe “ngu” thì chắc chắn Honda hay Chrysler không có lý do gì để thua kém Tesla, đặc biệt là khi công nghệ xe điện trở nên phổ cập trong những năm tới. Còn trên khía cạnh thông minh, hãy nhớ rằng 1, Google đang sở hữu dịch vụ định vị số 1 hành tinh và 2, Google là một trong số ít các công ty có đủ năng lực Big Data và AI để phát triển xe tự lái.
2 thế mạnh này sẽ tạo ra lợi thế đặc biệt cho các đối thủ cạnh tranh đi theo xu hướng “trọn gói”. Apple sau một thời gian dài vật lộn cho đến giờ vẫn chưa ra mắt được “Apple Car”, còn Audi hay Mercedes mức độ tự lái vẫn còn thua xa Google. Dĩ nhiên, khi đi theo phương hướng mới Google cũng sẽ phải đối phó với một vài đối thủ sừng sỏ, những kẻ có lẽ cũng chỉ tìm cách mang hệ thống infotainment thông minh lên xe hơi. Đáng gờm nhất trong số này sẽ là Samsung khi tập đoàn Hàn Quốc vừa bỏ ra tới 8 tỷ USD mua Harman để ngay lập tức có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xe kết nối. Tiếp đó là NVIDIA, một công ty sản xuất chip đã có vai trò đặc biệt quan trọng với sự trỗi dậy của AI trong những năm qua và hiện cũng đang có doanh thu bùng nổ trên mảng xe tự lái.
Sự kết hợp của NVIDIA và các hãng xe hạng sang có lẽ sẽ gây khó dễ ít nhiều cho Google/Waymo và Chrysler, Honda v...v...
Dù sao, không phải bất cứ một ông lớn nào cũng sở hữu tới 2 triệu dặm tự lái và 1 triệu dặm giả lập như Google. Cùng với công nghệ AI siêu việt từ công ty mẹ và một tầm nhìn đã từng làm nên chiến thắng áp đảo cho Android, giờ là lúc Google phổ cập xe tự lái như đã từng một lần phổ cập smartphone cho cả thế giới.