Trao đổi tại Hội thảo “Quản lý báo chí, thông tin điện tử và viễn thông trong tình hình mới” do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/12, ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay ngày 28/10 vừa qua, theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, 5 nhà mạng trong nước lần đầu tiên đã cùng ký cam kết thực hiện thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên hệ thống. Trên tinh thần chỉ đạo làm quyết liệt của Bộ trưởng, Bộ TT&TT cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, các Sở TT&TT phối hợp cùng Bộ giám sát việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn.
Để khuyến khích phát triển thuê bao trả sau cần áp dụng tăng ưu đãi, khuyến mãi.
"Rất nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Phú Yên, Bình Phước, Lâm Đồng… đã tiến hành tổ chức cho các chi nhánh các doanh nghiệp viễn thông ký cam kết thu hồi SIM kích hoạt sẵn. Kết quả, giai đoạn 1 của đợt thu hồi đã khóa gần 11 triệu SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn và dự kiến kết thúc giai đoạn 2 có khoảng 15 triệu SIM", ông Nguyễn Đức Trung cho hay.
Sau 2 đợt thu hồi SIM kích hoạt sẵn, dự kiến Cục Viễn thông, thanh tra Bộ TT&TT, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam sẽ tổ chức họp cùng các doanh nghiệp, Sở TT&TT để cùng đánh giá những mặt được, chưa được qua công tác thu hồi, đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
“Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra thực hiện thu hồi. Sau đợt 1 có 600.000 thuê bao đăng ký lại. Nhưng qua phát hiện của Bộ và của chính các doanh nghiệp viễn thông, việc đăng ký thuê bao vẫn chưa hoàn toàn chính xác, do nhiều kênh phân phối sử dụng đăng ký theo cách khác để cố giữ lại SIM”, ông Trung nói.
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Viễn thông, SIM kích hoạt sẵn hoặc đăng ký không đúng tên người dùng hiện lại nằm nhiều ở người sử dụng, chứ không phải ở các kênh phân phối và đại lý SIM. Đồng thời gốc rễ của tin nhắn rác cũng là từ việc được nhận nhiều khuyến mãi. Trong khi đó người dùng trả sau thường đăng ký thông tin chính xác và không phải là đối tượng phát tán tin nhắn rác. Vì thế, Cục Viễn thông kiến nghị cần có chính sách khuyến khích phát triển thuê bao trả sau, tăng khuyến mãi cho đối tượng này và giảm khuyến mãi cho thuê bao trả trước để tỷ lệ thuê bao trả trước ít đi.
Nếu Nhà nước đưa ra hạn mức khuyến mãi buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, nếu không sẽ bị xử lý nặng hơn hiện nay, thậm chí sẽ bị truy thu doanh thu.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, hiện thị trường còn đang tồn tại bất cập là người có nhu cầu nhắn tin quảng cáo chính thức khó làm, còn quảng cáo qua tin nhắn rác rất dễ dàng.
Vì thế, phải có biện pháp hỗ trợ thủ tục đăng tin nhắn quảng cáo theo đường chính thống phải đơn giản hơn, giá thấp để khuyến khích. Khi đó, người dân có thể đăng ký nhận hoặc không nhận theo nhu cầu do đó không sợ bùng nổ tin rác như quảng cáo qua tin nhắn rác.
Tại hội thảo, một biện pháp nữa cũng được đại diện Cục Viễn thông đề cập tới đó là yêu cầu doanh nghiệp tự giác chặn tin nhắn. Ngoài ra, hiện đơn vị này và Thanh tra Bộ đang trình Chính phủ ra Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.
Dự thảo Nghị định thống nhất điểm cung cấp SIM và đăng ký thông tin thuê bao; đơn giản và đa dạng hóa thủ tục đăng ký thuê bao; bổ sung điểm đăng ký thông tin lưu động (doanh nghiệp có thể đến tận nơi khách hàng cần); tăng cường chế tài xử phạt tính trên SIM vi phạm…
Theo ICTNews