Thời gian gần đây, Vietlott có lẽ là cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng, được báo chí tốn giấy mực viết về nhất và cũng là thứ được dân tình săn lùng nhiều nhất.
Lần đầu tiên dân tình cảm thấy rằng dường như họ có thể kiếm được một số tiền lớn theo cách dễ dàng đến vậy từ một trò đỏ đen. Nếu hồi giữa tháng 10, khách hàng đầu tiên mới chỉ trúng số tiền hơn 92 tỷ đồng thì cho đến cách đây chỉ vài ngày, đã có tới 2 người cùng một lúc trúng tới 160 tỷ đồng.
Đó hẳn là những số tiền mà người ta phải mất cả đời người mới có thể kiếm ra được. Còn với những khách hàng may mắn của Vietlott, trong niềm hạnh phúc trúng giải, bây giờ họ sẽ cần giải một bài toán nan giải là “Nhiều tiền quá, làm gì bây giờ ?”
Vậy, họ sẽ có những sự lựa chọn nào ? Đi du lịch, đi mua sắm thỏa thích hay dành tiền để đầu tư cho con cái, đó đều là những phương án có thể xảy ra.
Dù số tiền chục tỷ, trăm tỷ kia có thể được sử dụng theo cách nào thì các nhà kinh tế cũng đều chỉ ra rằng nó sẽ đều sớm hay muộn được đóng góp cho xã hội dưới 2 dạng: hoặc là tiêu dùng, hoặc là tích lũy (hay được gọi là đầu tư).
Tại sao lại vậy ? Trước tiên, chúng ta cần hiểu rằng các nhà kinh tế sẽ phân loại số tiền mà những người trúng Vietlott kia có được thuộc vào một “điểm tụ vốn” trong nền kinh tế mang tên “tài chính hộ gia đình” (các gia đình, người dân sở hữu).
Theo lý thuyết thì không sớm thì muộn, số tiền ấy sẽ phải “tương tác” với 2 điểm tụ vốn còn lại trong nền kinh tế là “tài chính công” (nhà nước sở hữu) và “tài chính doanh nghiệp” (các doanh nghiệp sở hữu).
Các điểm tụ vốn trong nền kinh tế
Bây giờ hãy cùng ngồi lại xem người trúng Vietlott có thể dùng tiền để làm gì ?
- Trước hết, họ sẽ chưa tiêu được ngay số tiền khổng lồ đó. Bởi lẽ đóng thuế cho nhà nước trên số tiền họ trúng giải sẽ là việc đầu tiên họ phải làm. Khi đó “tài chính hộ gia đình” đã tương tác với “tài chính công”: Người dân đóng thuế cho nhà nước bằng tiền.
- Đóng thuế xong số tiền còn lại vẫn sẽ còn rất lớn. Họ có thể dùng nó để đi vòng quanh thế giới một chuyến, mua một chiếc siêu xe như Ronaldo, hoặc chọn mua một căn hộ hạng sang nhìn ra nhà thờ Đức Bà ngay giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh.
Tất cả những cách sử dụng tiền như trên, dùng tiền để mua sắm một thứ gì đó, chính là “tiêu dùng”. Khi đó, “tài chính hộ gia đình” đang tương tác với “tài chính doanh nghiệp”: Người dân mua hàng hóa của doanh nghiệp bằng tiền. Sự trao đổi kết thúc sau khi người mua nhận hàng và doanh nghiệp nhận tiền.
- Muốn tiền sinh sôi nảy nở, người trúng giải Vietlott có thể mang tiền đi đầu tư (tích lũy). Cần nhớ rằng, với số tiền trong tay lớn như vậy, nếu đầu tư mà có lãi thì họ có thể thu được số tiền lớn gấp rất nhiều lần.
Nếu gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi, khi đó “tài chính hộ gia đình” đã tương tác với “tài chính doanh nghiệp” một cách gián tiếp thông qua các ngân hàng: Người dân gửi tiền vào ngân hàng và rồi ngân hàng lại mang tiền đó đi cho các doanh nghiệp vay.
Hay như việc đổ tiền vào chứng khoán, đầu tư vào công ty này công ty kia hay đi mua USD, mua vàng thì đều là khi “tài chính hộ gia đình” đã tương tác trực tiếp với “tài chính doanh nghiệp”: Người dân đổ tiền vào doanh nghiệp (mua cổ phiếu, đầu tư cổ phần startup…) với mong muốn sẽ thu được khoản tiền lớn hơn trong tương lai.
Kể cả việc dùng số tiền này là vốn để kinh doanh, như việc người trúng Vietlott dùng tiền để mở một chuỗi hàng ăn, hay làm vốn startup của riêng mình, các nhà kinh tế cũng xếp nó vào việc đầu tư. Họ sẽ phải bỏ tiền ra trước để thuê ngoài các phần mềm, trả tiền cho nhà cung ứng rồi mới mong thu lợi sau này. Đó cũng là khi "tài chính hộ gia đình" tương tác với "tài chính doanh nghiệp" theo cách đầu tư. Mà doanh nghiệp chính là những người trả lương cho bạn.
- Cuối cùng, xin nói về một lựa chọn tồi nhất mà người trúng giải Vietlott có thể lựa chọn với số tiền của mình: để tiền trong két sắt ở nhà “ngắm”, chẳng tiêu dùng mà cũng không tích lũy (đầu tư).
Thế nhưng có một quy tắc ai cũng biết là tiền phải đẻ ra tiền nên hiếm người chọn phương án này. Và dù sở hữu của bất kỳ ai, số tiền này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các chủ thể của nền kinh tế.
Theo Trí Thức Trẻ