Sáng nay, tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2016 của Tổng Cục Thống kê, trong phần phát biểu của mình về những thuận lợi và khó khăn của mức tăng trưởng 6,7% GDP năm 2017, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê, đã đưa ra một nhận định rằng: "muốn đạt mức tăng trưởng này, chúng ta buộc phải nâng cao năng suất lao động lên".
Phát biểu này được đưa ra sau cùng, sau khi vị Tổng Cục trưởng đã đưa ra một loạt các khó khăn ở trên về biến đổi khí hậu, sự bi quan về nền kinh tế thế giới hay chủ nghĩa bảo hộ lên cao. Vì thế, có thể coi đây chính là kết luận mà ông Lâm đã giải cho bài toán "Việt Nam làm thế nào có đạt mức tăng trưởng mục tiêu trong năm tới ?".
Và câu trả lời đó chính là: "Hãy làm việc chăm chỉ lên"
Cũng theo vị Tổng cục trưởng, năng suất lao động trong giai đoạn từ năm 2011 – 2016 của Việt Nam là có tăng, nhưng là sự tăng ở mức “rất thấp”.
Ông đã đưa ra nhiều con số minh chứng cho lời nói của mình như vào năm 2011, năng suất lao động của người lao động Việt Nam tăng 3,5% so với năm 2010. Đến năm 2012 thì năng suất lại giảm 3,1%.
Từ năm đó năng suất lao động của lao động Việt Nam có tăng nhưng là những con số rất nhỏ: năm 2013 tăng 3,8%; năm 2014 tăng 4,9% và năm 2016 vừa qua thì tăng 5,31%.
So sánh với các quốc gia trong khu vực, ông Nguyễn Bích Lâm cũng nhấn mạnh “năng suất lao động của người Việt không là gì so với các quốc gia trong khu vực” và nếu cứ giữ đà tăng chậm như thế này thì Việt Nam sẽ chẳng mấy chốc mà bị “các nước trong khu vực bỏ xa”.
Ông đưa ra so sánh năng suất lao động người Việt với các quốc gia trong khu vực: năng suất lao động của người Việt chỉ bằng 4,4% so với người Singapore, bằng 17,4% so với người Malaysia, bằng 23,2% so với người Thái, bằng 48,5% so người Philippines và bằng 48,8% so người Indonesia.
Bằng một vài tính toán, những con số trên có thể được hiểu như là 23 người Việt mới làm việc bằng 1 người Singapore, 6 người Việt mới làm việc bằng 1 người Malaysia, 4 người Việt mới làm việc bằng 1 người Thái Lan và 2 người Việt mới làm việc bằng được 1 người Philippines hay người Thái Lan. Đây quả thực là những con số hẳn sẽ tiếp tục làm đau đầu những nhà hoạch định nền kinh tế Việt Nam.
Như vậy, người Việt cần làm việc chăm chỉ hơn thì đã rõ, tuy nhiên, chính xác thì chúng ta cần làm chăm hơn gấp bao nhiêu lần hiện nay ?
Mới đây tại hội thảo Triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia trực thuộc Bộ kế hoạch và Đầu tư từng công bố 3 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017 tới.
Theo đó, chỉ có đúng một kịch bản trả về kết quả GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Và muốn như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ cần phải làm việc chăm chỉ gấp đôi hiện nay.
Theo Trí Thức Trẻ