Trừ khi bộ phim bom tấn của Marvel là Phù thủy tối thượng - Doctor Strange bỗng nhiên thu hút lại được một lượng lớn người xem trong vài tuần tới, nhiều khả năng Finding Dory sẽ là cái tên đứng đầu phòng vé trên toàn thế giới trong năm nay.
Điều này không quá khó hiểu bởi công ty con của Disney là Pixar, vốn đã quá nổi tiếng về những bộ phim hoạt hình dành cho gia đình và trẻ em. Tuy nhiên có một mảng khác thuộc gã khổng lồ phim ảnh này mà ít ai biết tới, đó chính là ứng dụng công nghệ hình 3D vào lĩnh vực y tế.
Công ty điện ảnh này đã thấy được sức hút mạnh mẽ của công nghệ hình ảnh này ngay lúc đó, tuy nhiên họ lại gặp khó khăn trong việc sử dụng nó, một phần vì chi phí quá đắt đỏ. Pixar Image Computer, được ra đời vào năm 1986, đã đi trước thời đại hàng chục năm, tuy nhiên chiếc máy hiện đại này lại chỉ dùng được ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó có y tế.
CEO quá cố của “Táo khuyết” Apple là Steve Jobs đã thấy được tiềm năng của chiếc máy tính kia và quyết định đầu tư vào Pixar, khiến ông trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. Thiết bị này – ban đầu được bán ra với giá 135.000 USD, nhưng sau đó giảm chỉ còn 30.000 USD – đã thu hút được sự chú ý của nhiều cơ sở y tế, bởi công nghệ hình ảnh của nó rất thích hợp cho phương pháp chụp quét cắt lớp điện toán.
Chi phí cao khiến cho công nghệ này không được phát triển thêm, tuy nhiên nó đã mang lại nhiều đột phá cho những bộ phim sau này của Pixar. Họ đã sử dụng hệ thống này để vi tính hóa quá trình in mực và vẽ các phim hoạt hình truyền thống của họ.
“Chúng tôi thời điểm đầu chỉ có các đối tác đến từ ngành y học, mỹ thuật và máy tính,” Steve Jobs nói trong bộ phim tài liệu To Infinity and Beyond!: The Story of Pixar Animation Studios. “Chúng tôi đã sáng tạo ra phần mềm kết xuất thể tích dành cho lĩnh vực xạ hình y tế. Sử dụng thông tin, dữ liệu từ những lần chụp quét cắt lớp điện toán, chúng tôi tái tạo được thể tích đó và trình chiếu nó bằng máy tính Pixar Image Computer. Bạn có thể xoay hình ảnh theo nhiều hướng và cắt dọc, ngang tùy ý muốn – một công nghệ chưa từng xuất hiện ở thời điểm đó. Giờ đây nó rất phổ biến ở mọi nơi, tuy nhiên nhiều người không biết rằng chính Pixar đã phát minh ra nó.”
Năm ngoái, Edwin Catmull – giám đốc điều hành của công ty LucasFilm, đồng thời là người sáng lập ra Pixar, đã quay lại với “gốc gác” y học của mình khi ông là đồng tác giả của bài báo được đăng trên tờ Journal of the American College of Radiology có tựa đề “Từ Toy Story đến chụp cắt lớp CT: Bài học của Pixar cho lĩnh vực nghiên cứu X Quang.”
Đó là lời nhắc về việc lẽ ra Pixar đã trở thành một công ty khác hoàn toàn so với bây giờ.
Theo Motherboard