Hồi tháng Ba vừa rồi, các nhà khoa học đã phát hiện ra 10 vụ bùng nổ sóng radio nhanh (fast radio burst – FRB) đều đến từ một địa điểm duy nhất trong vũ trụ. Và giờ đây, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra 6 sóng như vậy nữa, có vẻ như đều đến từ cùng một khu vực, một nơi nằm bên ngoài Dải Ngân hà của chúng ta.
Những đợt bùng nổ sóng FRB này là một trong những thứ khó nắm bắt nhất nhưng đồng thời lại mạnh mẽ nhất mà ta từng thấy trong vũ trụ. Nó chỉ bùng lên trong vài mili giây thôi nhưng chỉ với từng ấy thời gian, chúng có thể tạo ra một lượng năng lượng bằng với cả một ngày hoạt động của Mặt Trời.
Mạnh đến mấy thì điều đó cũng chẳng giúp các nhà khoa học tìm ra được nguồn gốc của những FRB này đến từ đâu.
Trước sự kiện phát hiện 10 vụ bùng nổ sóng vào hồi tháng Ba, người ta đã nghĩ rằng đây chỉ là những sự kiện nhỏ lẻ trong vũ trụ, đến từ những khu vực ngẫu nghiên trong bầu trời rộng lớn kia. Chúng không theo khuôn mẫu nhất định và vẫn chưa được xác định nguồn gốc cụ thể.
Lý do mà chúng ta chẳng biết chút gì về FRB cũng không phải là do chúng quá hiếm gặp, ngược lại, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 2.000 vụ bùng nổ FRB diễn ra HÀNG NGÀY, chẳng qua là chúng xảy ra trong khoảng thời gian quá ngắn ngủi, ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định và phát hiện chúng.
Đến năm 2007, sóng FRB đầu tiên mới được phát hiện và đến năm ngoái, chúng ta mới có công nghệ đủ hiện đại để bắt được chúng trong thời gian thực.
Tổng cộng trong năm 2016 này, ta đã phát hiện ra được 16 sóng như thế, và có vẻ chúng đều đến từ một địa chỉ. Ta đang dần giới hạn lại khu vực có thể phát ra chúng cũng như tìm ra được một nguồn cụ thể.
Trong (ước tính) khoảng 2.000 sóng FRB mỗi ngày kia, 16 sóng này có một điểm đặc biệt đáng chú ý. Không như các sóng khác, chúng đều đến từ bên ngoài Dải Ngân hà và đặc biệt hơn, chúng dường như là một tín hiệu lặp đi lặp lại của một thứ gì đó phát ra đều đặn. Sử dụng kính viễn vọng vô tuyến tại Puerto Rico, các nhà khoa học nhận thấy rằng sóng cứ phát ra đều đặn 10 phút một lần.
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho vị trí đó là FRB 121102. “Chúng tôi đã tìm ra thêm 6 vụ bùng nổ sóng ở vị trí này”, đội ngũ tại Đại học McGill, Canada đã công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn như vậy.
Vị trí chính xác của FRB 121102 vẫn chưa được chỉ đích xác, tất cả những gì ta biết chỉ là nó tới từ một khoảng không gian rộng nằm bên ngoài Dải Ngân hà. Có thể chi tiết này sẽ dẫn ta đến được nguồn gốc của các sóng, khi ta phát hiện được hiện tượng gì đó bất thường tại khu vực này.
Hiện tại, những giả thuyết tốt nhất mà chúng ta có là sự va chạm của hai sao neutron tạo ra một hố đen vũ trụ. Nhưng nhiều người cho rằng sự lặp lại liên tục của những vụ bùng nổ sóng này sẽ không thể được tạo ra bởi một sự kiện thiên văn như vậy được, ý ám chỉ một phương tiện phát sóng liên tục nào đó đang gửi đi tín hiệu.
Nhiều giả thiết khác vẽ nên hình ảnh của một ngôi sao neutron có từ trường cực mạnh, quay nhanh tới mức tạo ra những vụ bùng nổ sóng nhanh FRB.
Tất cả vẫn chỉ là giải thuyết, hiện tại, ta vẫn còn quá ít bằng chứng để có thể xác định được tính chất và nguồn gốc của những sóng FRB kia. Ta cần thêm những mẫu khác, thêm những kính viễn vọng khác hướng về địa chỉ FRB 121102 đã được xác định sơ qua kia, xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Tham khảo ScienceAlert